Chế độ ăn là một trong những vấn đề cần quan tâm của những người có mỡ máu cao. Vậy họ nên ăn gì và không nên ăn gì trong bữa ăn để có thể giảm mỡ máu?
1. Hạn chế lượng đường tiêu thụ mỗi ngày
Lượng đường bổ sung trong các thực phẩm là mối quan tâm lớn của tất cả mọi người, bao gồm cả những người có mỡ máu cao. Khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nêu rằng mỗi người trong một ngày không nên tiêu thụ quá lượng đường bổ sung bằng với 6 - 9 thìa cà phê, nhưng thực tế hầu hết mọi người đều ăn lượng đường bổ sung lớn hơn nhiều con số khuyến cáo.
Đường bổ sung là thành phần dễ dàng bắt gặp trong các sản phẩm đồ ngọt, đồ uống và các loại nước ép trái cây đóng hộp. Khi thu nhận quá nhiều vào cơ thể, lượng đường dư thừa sẽ được chuyển hóa thành các triglyceride, làm tăng nồng độ mỡ máu cũng như kéo theo việc tăng các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.
Hiện có một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ít carbohydrate và ít đường bổ sung có thể làm giảm nồng độ mỡ máu, và ngay cả khi chỉ cần thay thế nước ngọt bằng nước lọc thì nồng độ mỡ máu cũng đã có thể giảm tới 29 mg/dL (~ 0,33 mmol/L).Thử sức cùng Trắc nghiệm: Muối trong thực phẩm, natri, huyết áp và sức khỏe của bạn
Muối, natri là chất khoáng cần thiết cho cơ thể để duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chế độ ăn thừa muối có nguy cơ cao dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng làm bài trắc nghiệm sau đây để hiểu hơn về những ảnh hưởng của các khoáng chất này tới huyết áp và sức khỏe bạn thế nào nhé.
Nguồn tham khảo: webmd.com
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
2. Thực hiện chế độ ăn ít carbohydrate (low carb diet)
Cũng như đường bổ sung, lượng carbohydrate dư thừa cũng được chuyển hóa thành các triglyceride và dự trữ trong các tế bào mỡ. Do đó thực hiện chế độ ăn ít carbohydrate có thể làm giảm mỡ máu là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Kết quả một nghiên cứu thực hiện năm 2006 đã cho thấy, những người thực hiện chế độ ăn độ ăn ít carbohydrate mà carbohydrate chỉ cung cấp lượng năng lượng chiếm 26% tổng lượng năng lượng thu nhận sẽ có mức giảm nồng độ mỡ máu lớn hơn nhiều so với những người thực hiện chế độ ăn có nhiều carbohydrate hơn (54% của tổng lượng năng lượng thu nhận do carbohydrate cung cấp).
Kết quả này phù hợp với kết quả của một nghiên cứu trước đó năm 2003 tiến hành so sánh mức độ giảm mỡ máu ở hai nhóm, một nhóm ăn chế độ ít chất béo, một nhóm ăn chế độ ít carbohydrate, trong 6 tháng. Kết quả là nhóm thực hiện chế độ ăn ít carbohydrate có mức giảm mỡ máu là 38 mg/dL (~ 0,43 mmol/L), trong khi nhóm ăn chế độ ít chất béo chỉ là 7 mg/dL (~ 0,08 mmol/L).
3. Ăn nhiều chất xơ hơn
Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, cũng như trong nhiều nguồn khác (bao gồm các loại hạt, ngũ cốc và các loại đậu).
Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm hấp thụ chất béo và đường ở tiểu tràng, qua đó giúp làm giảm nồng độ mỡ máu ở những người có mỡ máu cao. Một nghiên cứu đã được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của chất xơ lên mỡ máu, và được thực hiện qua hai pha, trong đó pha đầu những người tham gia sẽ thực hiện chế độ ăn ít chất xơ, sau đó những người này sẽ bước vào pha thứ hai với chế độ ăn giàu chất xơ. Kết quả cho thấy chỉ sau 6 ngày pha đầu, nồng độ mỡ máu của những người tham gia đã tăng 45%, nhưng sau khi trải qua pha tiếp theo, nồng độ mỡ máu đã tụt xuống dưới mức cơ bản.
4. Tránh sử dụng chất béo dạng trans
Chất béo dạng trans, đặc biệt là các chất béo dạng trans sản xuất công nghiệp, gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người, bao gồm cả việc làm tăng mỡ máu. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn chế độ ăn với hàm lượng chất béo dạng trans ở mức trung bình hoặc mức cao sẽ có nồng độ mỡ máu cao hơn rõ rệt so với những người sử dụng nhiều acid oleic không bão hòa.
Một nghiên cứu khác kéo dài trong 3 tuần cũng cho kết quả tương tự, những người ăn nhiều chất béo dạng trans có nồng độ mỡ máu cao hơn những người tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa.
5. Sử dụng nhiều chất béo không bão hòa
Như đã đề cập ở hai nghiên cứu vừa nêu, chất béo không bão hòa có tác dụng làm giảm mỡ máu, bên cạnh rất nhiều các lợi ích khác cho sức khỏe đã được biết tới.
Chất béo không bão hòa gồm chất béo không bão hòa đơn (có nhiều trong dầu olive, các loại hạt và quả bơ) và chất béo không bão hòa đa (có nhiều trong dầu thực vật và các loại cá nhiều dầu). Hãy tích cực ăn các loại cá nhiều dầu (như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ,...) và sử dụng dầu olive, vì chúng vừa có tác dụng làm giảm mỡ máu, vừa có rất nhiều các lợi ích khác đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
6. Thêm nhiều các loại hạt vào chế độ ăn
Các loại hạt (bao gồm hạt hạnh nhân, hạt hồ đào, hạt óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt mắc ca,...) vốn được biết tới chứa nhiều chất xơ, acid béo omega - 3 và các chất béo không bão hòa, không chỉ giúp làm giảm nồng độ mỡ máu, mà còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác.
7. Hạn chế sử dụng rượu
Về bản chất, rượu chứa hàm lượng cao đường và năng lượng, và nếu lượng năng lượng này không được tiêu hao, chúng sẽ được chuyển hóa thành các triglyceride, rồi tích tụ trong các tế bào mỡ.
Mặc dù có sự ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy tiêu thụ rượu ở mức độ trung bình có thể làm tăng nồng độ mỡ máu lên tới 53%, kể cả khi nồng độ mỡ máu ban đầu ở mức bình thường.
Tuy sử dụng rượu ở mức vừa phải có mang lại một số lợi ích nhất định (đặc biệt là làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch), nhưng lợi ích chỉ đạt được khi sử dụng đúng mức, còn nếu sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng rượu chắc chắn sẽ mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe cũng như hành vi xã hội.
8. Hãy tập luyện bên cạnh ăn uống
Để giảm mỡ máu ở những người có mỡ máu cao, bên cạnh chế độ ăn còn cần chú ý tới việc giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì, duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện tập luyện ở mức độ thích hợp. Kết quả tốt chỉ đạt được nếu phối hợp các yếu tố vừa nêu.
Nguồn: Vinmec.com