Thủ Phạm Khiến Đau Dạ Dày Trở Nặng

 

Đau dạ dày gia tăng có thể là dấu hiệu của loét dạ dày tá tràng, viêm cấp tính niêm mạc dạ dày tá tràng, ăn nhiều đồ chiên rán, uống rượu bia.

Đau dạ dày là triệu chứng đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị, có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc đau dữ dội, kéo dài.

BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số nguyên nhân dưới đây có thể làm đau dạ dày tăng nặng.

Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân hàng đầu gây đau dạ dày. Bệnh xảy ra do các yếu tố như dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID), nhóm thuốc aspirin, vi khuẩn helicobacter pylori (HP), bệnh crohn, hội chứng zollinger-ellison...

Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày tá tràng thường xảy ra đột ngột sau khi uống nhiều rượu bia, ăn gia vị cay nóng hoặc dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID).

Khó tiêu gây đau tức nóng rát vùng thượng vị (trên rốn) hoặc cảm giác nhanh no, anh ách bụng sau ăn. Thông thường, bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày để xác định tình trạng niêm mạc dạ dày bình thường, viêm teo hay tổn thương đã tiến triển thành viêm loét niêm mạc dạ dày.

Bác sĩ Thành khám cho người bệnh hồi tháng 12/2023. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Thành khám cho người bệnh hồi tháng 12/2023. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn không đúng bữa, ăn quá khuya, quá nhanh hoặc no căng bụng, để bụng thật đói mới ăn, vừa ăn vừa đọc sách, xem tivi làm cơn đau dạ dày tiến triển nặng hơn. Người dùng nhiều đồ chiên rán, cay nóng, đồ chua, rượu bia, hút thuốc lá cũng dễ bị đau dạ dày. Tình trạng này có xu hướng nghiêm trọng trong những ngày Tết.

Căng thẳng, lo lắng kéo dài giải phóng các hormone và chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu động ruột và hoạt động co bóp của dạ dày. Người bệnh có thể bị đau bụng, đầy hơi, ợ chua... Căng thẳng cũng là nguyên nhân làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến đau dạ dày.

Tác dụng phụ của thuốc như thuốc giảm đau không kê đơn, kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng bổ sung sắt... có thể gây khó chịu cho dạ dày cùng nhiều vấn đề rối loạn tiêu hóa khác.

Một số tác động có thể kể đến như ợ nóng, kích ứng dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi, táo bón, co thắt bụng...

Đau dạ dày có thể do tác dụng phụ của thuốc. Ảnh: Freepik

Đau dạ dày có thể do tác dụng phụ của thuốc. Ảnh: Freepik

Những nguyên nhân khác cũng gây đau dạ dày như dị ứng, không dung nạp thực phẩm như sữa, đậu nành, đậu phộng, lúa mì, ốc, nghêu, cá trứng... Bác sĩ Thành khuyến cáo người gặp tình trạng này nên đến bác sĩ khám để được tư vấn chế độ ăn kiêng phù hợp.

Đau dạ dày tăng nặng còn là triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng khác như viêm tụy cấp, bán tắc ruột, sỏi mật, u tụy, hẹp môn vị...

Bác sĩ Thành Đau cho biết dạ dày là triệu chứng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tiềm ẩn nhiều biến chứng sức khỏe đáng lo ngại. Bác sĩ khuyên người bị đau tiến triển nặng, đột ngột, đi kèm tức ngực, khó thở, chất nôn có màu cà phê hoặc lẫn máu, sụt cân không rõ nguyên nhân đi khám sớm. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Phòng ngừa bệnh bằng cách uống đủ nước, tránh thực phẩm gây dị ứng, kiểm soát căng thẳng, ăn uống lành mạnh, nhất là khi dịp Tết cận kề.

Nguồn: Vnexpress.net