Tại Sao Huyết Áp Cao

 

Huyết áp tăng có thể do người bệnh ăn thực phẩm nhiều muối, lười tập thể dục hoặc uống nhiều rượu bia.

Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch máu và động mạch, được biểu thị bằng hai chỉ số trên máy đo. Số trên cùng là huyết áp tâm thu, biểu thị áp lực hoặc lực tác động lên động mạch khi tim bơm máu. Số còn lại là chỉ huyết áp tâm trương, áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.

Huyết áp bình thường khi chỉ số tâm thu dưới 120 mmHg, tâm trương dưới 80 mmHg. Huyết áp cao khi huyết áp tâm thu ≥140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg. Huyết áp cao tức là tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, theo thời gian có thể gây xơ cứng động mạch, đột quỵ, tổn thương thận... Huyết áp tăng cao có thể do nhiều yếu tố.

Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Lượng muối nạp vào cơ thể có tác động trực tiếp đến huyết áp, làm mất cân bằng giữa natri và kali, từ đó giảm khả năng lọc nước của thận.

Thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng, khoai tây chiên, bánh quy, pizza, đậu và rau đóng hộp, súp đóng hộp và nước sốt đều chứa một lượng muối nhất định để giữ món ăn được lâu. Nếu ăn quá nhiều khiến huyết áp tăng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị lượng muối tiêu thụ ở mỗi người chỉ tối đa 2.300 mg mỗi ngày. Người bệnh cao huyết áp nên cắt giảm thực phẩm đóng gói, tăng cường các loại tươi ngon, giàu chất dinh dưỡng như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt, cá, dầu ô liu.

Huyết áp tăng cao có thể do yếu tố về lối sống như lười tập thể dục, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, uống rượu bia... Ảnh: Freepik

Kiếm soát huyết áp để tránh tăng cao vì dễ đột quỵ. Ảnh: Freepik

Uống nhiều rượu bia

Uống rượu vừa phải (một ly mỗi ngày đối với phụ nữ, hai ly với nam giới) thường không gây hại. Tuy nhiên, uống nhiều rượu hơn có thể dẫn đến huyết áp cao mạn tính. Thói quen này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch, tích tụ mảng mỡ trong động mạch, dẫn đến đau tim, đột quỵ.

Lười tập thể dục

Người ngồi quá nhiều hoặc có lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể bao gồm cả hệ tim mạch. Lười tập thể dục có xu hướng gây thừa cân hoặc béo phì, một trong những nguyên nhân chính của cao huyết áp.

Hoạt động thể chất thường xuyên làm cho các mạch máu linh hoạt và ít nhạy cảm hơn, nhờ đó duy trì huyết áp khỏe mạnh. Người bệnh cao huyết áp nên đặt mục tiêu tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Các bài tập phù hợp gồm đạp xe, đi bộ nhanh, bơi lội, yoga.

Căng thẳng quá mức

Ở trạng thái căng thẳng, các hormone cortisol và adrenaline được giải phóng vào máu làm tăng nhịp tim, huyết áp và co mạch máu. Nếu tình trạng này chỉ thoáng qua, kết thúc nhanh chóng thì không nguy hại. Tuy nhiên căng thẳng mạn tính diễn ra liên tục, khiến cơ thể không có thời gian phục hồi, làm cho huyết áp tiếp tục tăng cao kéo dài.

Hoạt động thể chất là cách đơn giản để giảm nồng độ hormone căng thẳng và tác động đến huyết áp. Thực hành chánh niệm như thở sâu, thiền và yoga, đọc sách, nghe nhạc cũng có thể giúp ích.

Ngưng thở khi ngủ

Ngủ không đủ giấc có thể gây tăng hormone gây căng thẳng hoặc tăng cảm giác thèm ăn vặt góp phần tăng cân, cả hai đều làm tăng huyết áp. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến oxy máu giảm xuống, tim phải hoạt động nhiều hơn để bù vào dẫn đến huyết áp cao.

Người bệnh có các dấu hiệu như ngáy thường xuyên, tiếng ngáy không đều, ngưng thở khi ngủ, buồn ngủ quá mức vào ban ngày cần đi khám chuyên khoa.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp như thuốc chống trầm cảm, thuốc thông mũi, thuốc tránh thai, chống viêm loại NSAID. Người bệnh nghi ngờ thuốc gây cao huyết áp cần trao đổi với bác sĩ thay đổi.

Nguồn: Vnexpress.net