Loại Trái Cây Người Tiểu Đường Nên Ăn Và Tránh

 

Người bệnh tiểu đường cần hạn chế nước ép và trái cây sấy khô nhưng nên ăn nhiều quả mọng, cam quýt.

Trái cây chứa carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu. Một số trái cây hoặc sản phẩm của chúng khiến đường huyết tăng nhanh chóng, song cũng có loại ít tác động đến đường huyết tùy thuộc vào hàm lượng chất xơ và đường.

Trái cây cần hạn chế

Trái cây sấy khô: Trái cây trải qua quá trình sấy khô giống như đường cô đặc. Điều này làm cho trái cây sấy khô có lượng carbohydrate (carb) cao hơn so với trái cây tươi nguyên quả. Ví dụ, một cốc (100 g) nho khô chứa 127 g carb và 104 g đường. Trong khi, một cốc nho tươi chỉ chứa 27 g carb và 23 g đường.

Trái cây sấy khô cũng có thể chứa thêm đường và ít chất xơ hơn nếu loại bỏ vỏ. Lượng carb và đường cao trong thực phẩm này làm tăng đường huyết.

Nước ép trái cây: Uống nước ép trái cây 100% có thể khiến đường huyết tăng đột biến. Do nước ép trái cây bị loại bỏ gần như toàn bộ chất xơ, cơ thể phân hủy và chuyển hóa đường nhanh chóng, làm tăng lượng đường trong máu. Nước ép trái cây cung cấp nhiều calo nhưng không khiến người uống có cảm giác no dẫn đến cản trở nỗ lực giảm cân, thậm chí còn thúc đẩy tăng cân.

Theo nghiên cứu năm công bố năm 2013 của Trường Đại học Cambridge, Anh và một số đơn vị, trên hơn 3 triệu người, uống nước ép trái cây có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn. Ngược lại, ăn trái cây tươi nguyên quả như việt quất, nho và táo giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Nếu muốn uống nước ép trái cây, người bệnh nên pha với nước để giảm lượng uống hoặc kết hợp trái cây và rau củ làm nước ép để giảm lượng đường.

Trái cây chỉ số đường huyết cao: Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo mức độ ảnh hưởng của một số loại thực phẩm nhất định đến lượng đường trong máu sau khi ăn. Trái cây có GI càng cao thì càng làm tăng đường huyết sau ăn.

GI từ 56 trở lên là cao, người bệnh cần tránh loại có GI cao, ví dụ dứa (GI 56), chuối chín (GI 58), dưa hấu (GI 72).

Chỉ số đường huyết có thể thay đổi do cách chế biến hoặc tình trạng của trái cây, chẳng hạn trái cây càng chín thì GI càng cao.

Dưa hấu có chỉ số đường huyết cao có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ảnh: Freepik

Dưa hấu có chỉ số đường huyết cao có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ảnh: Freepik

Trái cây nên ăn

Trái cây có nhiều chất xơ và chứa lượng đường fructose thấp, ít tác động đến đường huyết hơn.

Quả mọng: Dâu tây, việt quất, mâm xôi, nho rất giàu vitamin C, axit folic, chất xơ và chất phytochemical chống viêm có lợi cho người bệnh tiểu đường.

Phân tích năm 2015 của Trường Đại học Y Tân Châu, Trung Quốc, dựa trên 23 nghiên cứu, chỉ ra chế độ ăn nhiều quả mọng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Quả mọng có thể giúp chuyển hóa glucose và điều chỉnh trọng lượng cơ thể, do đó góp phần giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường. Một cốc (100 g) dâu tây cắt lát cung cấp 53 calo, gần 13 g carb, hơn 3 g chất xơ và khoảng 8 g đường.

Trái cây họ cam quýt: Cam, bưởi, chanh chứa lượng lớn vitamin C, A và kali tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Các chất dinh dưỡng thực vật này có tác dụng giảm viêm, giảm tổn thương tế bào và chống lại bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch.

Trái cây họ cam quýt rất giàu flavonoid - chất chuyển hóa trung gian của thực vật có đặc tính chống oxy hóa mạnh mang lại nhiều lợi ích trong điều trị cũng như hoạt động sinh học. Hợp chất này có tác dụng hạ đường huyết, hạ mỡ máu, chống ung thư, hạ huyết áp, bảo vệ thận và gan.

Nguồn: vnexpress.net