7 Loại Carbohydrate Tốt Cho Người Bệnh Tiểu Đường

 

Đậu, hạt, gạo lứt, sữa ít hoặc không béo là những nguồn carbohydrate lành mạnh, hỗ trợ kiểm soát đường huyết cho người bệnh tiểu đường.

Rau không chứa tinh bột: Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, ăn nhiều rau quả là cách tốt để kiểm soát lượng carb trong bữa ăn, giảm cân do tăng cảm giác no.

Người bệnh nên chọn rau không chứa tinh bột (rau xanh lá, bông cải xanh, súp lơ trắng, ớt chuông) vì ít calo, chứa nhiều hợp chất tăng cường sức khỏe. Ví dụ, rau họ cải chứa glucosinolates có đặc tính phòng ngừa ung thư.

Quả mọng: Việt quất, dâu tây, mâm xôi thích hợp cho người bệnh tiểu đường nhờ chứa ít đường và carb hơn so với các loại quả khác. Mâm xôi giàu chất xơ nhất trong các loại quả mọng, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và cân nặng.

Nghiên cứu năm 2019 của Đại học East Anglia, Anh, trên 115 người, cho thấy ăn một cốc (123 g) việt quất mỗi ngày cải thiện lưu lượng máu và chức năng động mạch, giảm khả năng mắc bệnh tim - yếu tố nguy cơ cao ở người tiểu đường.

Đậu: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu lăng, đậu gà giàu protein và chất có lợi cho người bệnh. Chất xơ được tiêu hóa lâu hơn, làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) vào máu hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Nó cũng giúp no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn, giữ dáng.

Các loại hạt: Nghiên cứu năm 2019 của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan, Mỹ, trên hơn 16.000 người, cho thấy người tiểu đường type 2 ăn 5 khẩu phần hạt (mỗi khẩu phần 28 g) gồm quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều... mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 17% so với người bệnh không ăn hoặc ăn ít hạt. Người ăn nhiều hạt cũng có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 27% so với người tiêu thụ ít.

Ngũ cốc nguyên hạt: Lúa mạch, yến mạch, quinoa (diêm mạch), gạo lứt giàu chất xơ, được tiêu hóa lâu nên làm chậm tốc độ chuyển hóa carb thành đường và hấp thụ vào máu, làm giảm gia tăng lượng đường trong máu.

Bánh mì nguyên hạt: Chứa nhiều chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất lành mạnh.

Theo nghiên cứu năm 2018 của Hiệp hội Ung thư Đan Mạch, trên hơn 55.000 người, tiêu thụ mỗi khẩu phần sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, gồm bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, lúa mạch đen hoặc từ yến mạch mỗi ngày giúp giảm 11% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 với nam và 7% với nữ.

Sữa ít hoặc không béo: Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, sữa giàu protein và canxi. Protein cung cấp năng lượng cho cơ bắp và quá trình trao đổi chất. Canxi tốt cho với sức khỏe tim, cơ và xương. Người bệnh nên chọn sữa ít béo hoặc không béo thay cho sữa nguyên chất.

Sữa nguyên chất (nguyên kem) chứa nhiều chất béo bão hòa làm mức độ kháng insulin cao hơn, tăng nguy cơ bệnh tim và viêm nhiễm.

Nguồn: vnexpress.net