Dấu Hiệu Cho Thấy Phổi Đang Có Vấn Để

Trong xã hội hiện đại ngày nay, vấn đề về môi trường, lối sống và các yếu tố khác đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của lá phổi. Vậy những dấu hiệu phổi có vấn đề là gì và đối tượng nào dễ gặp phải tình trạng này?

1. Dấu hiệu cho thấy phổi đang gặp vấn đề

Phổi có chức năng trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, vì vậy có vai trò to lớn trong sự sống của con người. Với lượng khói thải công nghiệp cùng với môi trường ô nhiễm từ khói bụi xe cộ, khói thuốc lá, rác thải... khiến phổi phải hoạt động cật lực hơn để mang O2 vào cơ thể. Chính những yếu tố này đã khiến cho 2 lá phổi ngày càng suy kiệt, con người dễ mắc phải những bệnh lý về phổi, đặc biệt là ung thư phổi.

Nhận biết sớm những dấu hiệu phổi có vấn đề sẽ phần nào hỗ trợ cho việc điều trị và cải thiện, thay đổi những yếu tố gây bệnh xung quanh để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm gây ra từ bệnh lý phổi.

Những biểu hiện phổi có vấn đề bao gồm:

  • Ho mạn tính: Cơn ho kéo dài trên 8 tuần là một dấu hiệu cho thấy phổi đang gặp những vấn đề bất thường. Thông thường, nếu đơn thuần nhiễm virus đường hô hấp, cảm lạnh thì bệnh sẽ tự động khỏi sau 2 – 3 tuần. Khi tình trạng ho kéo dài bất thường, đặc biệt là khi có dịch nhầy, ho ra máu và kèm theo sốt thì có thể người bệnh đã mắc phải một số bệnh lý như viêm phế quản mạn tính,tràn khí màng phổi... Những trường hợp này cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán sớm.
  • Khó thở: Đây là một biểu hiện của thiếu O2 máu, triệu chứng là bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi thực hiện động tác hít vào thở ra và hơi thở trở nên gấp hơn mọi ngày. Đặc biệt là những tình huống khó thở sau gắng sức như leo cầu thang, đi bộ, hoặc khó thở chỉ khi đang nằm trên giường. Một số bệnh lý có thể mắc phải đó là viêm phế quản,hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim...
  • Thở khò khè: Thở khò khè là khi tiếng thở có tiếng khò khè, ồn ào biểu hiện cho tình trạng có yếu tố làm chặn đường thờ nên gây ra tiếng động bất thường khi thở. Thở khò khè thường có trong hen suyễn, khí phế thũng...
  • Tiếng thở rít: Tiếng thở rít báo động cho một tình trạng giảm chức năng phổi, hẹp đường thở và có thể là tắc nghẽn động mạch. Bệnh lý có thể liên quan đến tình trạng này thường là hen, viêm phế quản, viêm phổi...
  • Ho ra máu: Máu trong trường hợp này có thể từ phổi hoặc đường hô hấp trên. Một số nguyên nhân dẫn đến ho ra máu là cơ bụng co kéo, viêm phế quản mạn tính hoặc cũng có thể là ung thư phổi. Vì vậy, khi xuất hiện dấu hiệu này thì cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám ngay.
  • Đau vai bất thường: Tình trạng đau vai ngẫu nhiên không liên quan đến căng cơ, viêm nhiễm và kéo dài trong nhiều tuần thì có thể gặp phải tình trạng khối u phổi chèn ép, cần được thăm khám nếu triệu chứng này không thuyên giảm.
  • Đau ngực: Cơn đau ngực là một dấu hiệu của bệnh lý tim mạch và cả bệnh về phổi, nhất là đau ngực khi thực hiện động tác hít thở trong thời gian dài. Khi có tình trạng tràn khí màng phổi thì cũng có thể gây ra cơn đau ngực.
  • Thay đổi giọng nói: Khi giọng nói trở nên khàn hơn trong vòng nhiều tuần thì có thể nguyên nhân đến từ những bệnh lý phổi, điển hình là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính COPD. Bệnh lý này khiến cho tình trạng thiếu hụt thông khí trong phổi nên gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói, giọng nói trở nên khàn hơn.
  • Sụt cân bất thường không rõ nguyên nhân: Một số bệnh lý liên quan đến phổi có thể khiến cho người bệnh bị sụt cần đó là viêm phổi tắc nghẽn mãn tính tính, viêm phổi...
  • Mất tập trung: Khi thiếu hụt O2 trong phổi, cũng dẫn đến tình trạng não bộ không có đủ lượng O2 cần thiết cho các hoạt động sống nên gây ra tình trạng buồn ngủ, mất tập trung và bối rối trong cảm xúc, suy nghĩ.
  • Da dẻ xanh xao, nhợt nhạt: Khi phổi gặp vấn đề, nhất là tình trạng nặng nề thì lượng O2 cung cấp cho cơ thể sẽ không đủ nên dòng máu đi nuôi dưỡng sẽ thiếu hụt O2, dẫn đến tình trạng niêm mạc môi nhợt, da dẻ xanh xao.
  • Kiệt sức: Cơ thể trở nên mệt mỏi, kiệt sức đối với những hoạt động hằng ngày có thể là dấu hiệu của ung thư phổi nên người bệnh cần lưu ý về dấu hiệu này.

2. Ai có nguy cơ dễ mắc các bệnh lý về phổi?

Những đối tượng có khả năng dễ mắc những bệnh lý liên quan đến phổi là:

  • Trẻ em: Trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 2 tháng tuổi sẽ dễ mắc các bệnh về phổi hơn vì lúc này hệ hô hấp, miễn dịch chưa hoàn thiện đầy đủ.
  • Người già: Người già là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về phổi nhất vì lúc này hệ miễn dịch suy yếu, tuổi tác già kém thích nghi, bệnh lý nền hiện có như đái tháo đường, tim mạch... cùng với những tác động từ môi trường xung quanh như khói bụi, thuốc lá, uống bia rượu...
  • Phụ nữ đang mang thai: Khi mang thai, cơ thể người mẹ đã truyền chất dinh dưỡng cho bào thai nên hệ miễn dịch suy yếu đi phần nào, các hệ cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai rất dễ nhiễm những tác nhân là virus, vi khuẩn hơn so với thường ngày
  • Bệnh nhân đang sử dụng máy thở
  • Bệnh nhân mắc những bệnh lý mãn tính như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lý tim mạch
  • Bệnh nhân mắc phải những bệnh tự miễn như HIV/AIDS.
  • Bệnh nhân đã trải qua ghép tạng
  • Bệnh nhân hóa trị.
  • Bệnh nhân điều trị bằng steroid trong thời gian dài.
  • Người nghiện bia rượu, thuốc lá hoặc đang sinh sống trong khu vực môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Những dấu hiệu phổi có vấn đề rất thường gặp, dễ bị bỏ quên trên lâm sàng nhưng lại là chỉ điểm cho rất nhiều vấn đề sức khỏe. Vì vậy, ngay khi có vấn đề bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán.

Nguồn: Vinmec.com